– Cây cóc thái thuộc loại cây ăn quả, thân gỗ, sống lâu năm
– Hình dáng giống cây cóc thường tuy nhiên cóc Thái có kích thước nhỏ hơn, chiều cao chỉ khoảng 1-3m, nhiều cành nhánh, cành lá xum xuê.
– Lá cóc Thái mọc trên cuống có hình dáng khá giống lá dâu da. Lá kép hình bầu dục, mép răng cưa, to và dài, màu xanh đậm đầy sức sống. Đến mùa khô, màu sắc lá chuyển sang vàng tươi đẹp mắt. Khi mùa đông đến, lá bắt đầu rụng dần, đến khi cây chỉ còn trơ trọi những chùm quả nhỏ xinh trông rất ngộ nghĩnh. Hoa cóc Thái mọc thành chùm nhiều bông trắng tinh hoặc trắng hơi ngả xanh, mỗi bông hoa nhỏ xinh rung rinh trước gió như chào đón ong bướm đến hút mật. Cóc Thái sai quả nên rất sai hoa. Quả mọc thành chùm 2-12 quả. Quả cóc Thái màu xanh lục, hình trứng, da dày nhưng mềm. Cóc Thái ăn được khi quả còn non nhưng rất giòn, thơm dịu, thịt màu xanh pha vàng nhạt. Quả cóc Thái khi chín thịt mềm hơn, vị chua ngọt, rất hấp dẫn. Đặc biệt cóc Thái không có hạt hoặc hạt lép nên thịt càng nhiều, càng được yêu thích.
Không chỉ sai quả, ăn ngon mà cóc Thái nhanh ra quả, chỉ cần trồng sau 3-5 tháng cây đã cho những lứa quả đầu tiên rồi cứ thế tiếp tục ra hoa đậu quả.
* Cách trồng và chăm sóc
Ánh sáng: Cây cóc Thái ưa nắng nhưng vẫn có thể chịu được ở một phần bóng râm. Nên trồng cây ở vị trí thoáng đãng, nhiều nắng gió cây sẽ sai quả hơn.
Nhiệt độ: cóc thái ưa mát và ấm, chịu lạnh kém. Đến mùa đông lạnh quá cây rụng hết lá và có thể bị lụi đi.
Độ ẩm: cóc Thái ưa ẩm trung bình, độ ẩm khoảng 50-80%.
Đất trồng: Cóc Thái không kén đất. Tuy nhiên loại đất ưa thích của cây là có đất thịt + chất hữu cơ + tơi xốp, thoát nước tốt. Đất tốt giúp cây phát triển nhanh, lá xanh tươi, quả mập.
Tưới nước: Khi cóc Thái trong giai đoạn trưởng thành cần nhiều nước, bạn chú ý tưới điều độ, vừa phải, tưới nhiều quá có thể làm úng cây. Giai đoạn ra hoa đậu quả cũng cần tưới nước đầy đủ, điều độ, tránh tưới thất thường làm hoa rụng, quả đậu ít. Thời gian tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát, quan sát khi thấy đất trên mặt chậu khô hơi trắng là tưới được. Nếu trồng chậu phải tưới từ từ, đều khắp chậu khi thấy nước chảy ra ở đáy mới thôi. Nếu tưới nước không đủ lượng và điều độ khiến cây thiếu sức đề kháng, dễ bị rệp muội bám vào ngọn khiến lá vàng, ngọn héo, khô cành dần.
Bón phân: Khi trồng cây trong chậu nên trộn thêm phân hữu cơ hoai mục hoặc phân trùn quế để tăng sự tơi xốp cho đất, đỡ phải thay chậu nhiều lần. Sau mỗi đợt quả cần cắt hết cuống quả, cắt bớt nhánh, bỏ cành già yếu, bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng kali và đạm.
Việc trồng và chăm sóc cóc Thái không hề tốn nhiều thời gian và công sức, hãy tự tay mình chăm bón với khoảng trời riêng đầy thư giãn và thưởng thức trái ngon, quả ngọt, lợi ích cho sức khỏe