* MÔ TẢ:
- So đũa là cây bụi lâu năm, thân gỗ. Chúng phân nhiều nhánh và rủ xuống. Chiều cao cây có thể lên tới trên 5m.
- Vỏ cây màu xám nhạt, sần sùi và có rãnh sâu, gỗ mềm và có màu trắng. Tuổi thọ cây có thể lên tới trên 10 năm.
- Lá màu xanh đậm, nhẵn, mọc lông chim dài tới 30 cm với 20 – 50 lá chét xếp thành cặp. Lá chét thuôn, hình bầu dục, đầu tù, dài khoảng 2 – 3 cm.
- Cây mọc rất nhanh, say hoa và thời gian cho hoa kéo dài, hoa so đũa rất có giá trị dinh dưỡng. Đây là loài liên nhiệt đới, thường được trồng làm cây cảnh vì có hoa đẹp và dùng hoa, lá, quả để làm rau ăn
- Hoa dễ ăn, không đắng. Trồng chậu, thùng xốp đều được, có thể trồng nhiều cây để hái được nhiều hoa.
- Quả nang, trông giống như những quả đậu xanh dẹt, dài, mỏng. Bên trong có hạt như hạt đậu, màu nâu đỏ.
* CÔNG DỤNG:
– Lá So đũa có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Lá nghiền nát làm thuốc đắp chữa bong gân, thấp khớp, sưng tấy, mẩn ngứa… Một loại trà làm từ lá So đũa được cho là có tính kháng khuẩn, chống giun và chống khối u.
– Hoa So đũa là một loại rau đặc sản cao cấp, có thể bóp gỏi để ăn sống, nấu canh chua, ăn lẩu, hoặc muối dưa chua rất ngon. Hoa và lá non So đũa thường được sử dụng trong các món ăn hàng ngày của người dân Nam bộ. Ngoài ra, hoa So đũa khô (10 – 30g) sắc uống, có tác dụng nhuận tràng và tẩy; lá giã nát, vắt lấy nước, nhỏ mũi, để chữa sổ mũi, ngạt mũi.
– Vỏ thân So đũa có vị đắng, hơi chát, được dùng làm thuốc bổ đắng, giúp tiêu hóa, chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột và viêm loét dạ dày. Vỏ cây So đũa giã nát, ép lấy nước, bôi chữa tưa lưỡi, loét miệng. Ở Việt Nam, vỏ cây So đũa cũng được sử dụng để điều trị bệnh kiết lỵ, tiêu chảy. Vỏ So đũa băm nhỏ, sắc đặc, để ngậm chữa đau răng, sưng lợi có mủ (thêm chút muối), ngậm 3-4 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 phút (kinh nghiệm ở Sóc Trăng).
* ỨNG DỤNG CÂY SO ĐŨA:
- Cây so đũa còn là nguồn cung cấp củi, thức ăn gia súc. Chúng là nguyên liệu tạo ra thực phẩm, thuốc, phân xanh. Cây tỏa bóng mát và có tiềm năng tái trồng rừng trên các vùng đất hoang bị xói mòn trên khắp vùng nhiệt đới.
- Nó cũng được trồng làm cảnh trong vườn nhà, làm hàng rào sống và chắn gió. Những bông hoa màu đỏ với hình dáng lạ mắt cũng là 1 điểm nhấn thú vị cho ngôi nhà.
- Cây cũng được trồng xung quanh các cánh đồng, sườn đồi bị xói mòn và đất hoang. Chúng giúp cải tạo đất và cải thiện độ phì nhiêu.
- Ở Nam Á và Đông Nam Á, tán lá cây so đũa được đánh giá cao làm thức ăn cho gia súc và dê.
- Ở Java, cây được sử dụng rộng rãi làm nguồn bột giấy
* CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
- Đất trồng: Tơi xốp, có độ thoát nước tốt
- Ánh sáng: Cây so đũa phù hợp nhiều khí hậu khác nhau. Cần che phủ bề mặt nếu thời tiết quá lạnh hoặc quá nắng.
- Cắt tỉa: Nếu trồng trong chậu, bạn chỉ cần cắt tỉa khi muốn giới hạn độ cao của cây. Thời gian tốt nhất để cắt tỉa là ngay sau khi kết thúc mùa thu hoạch bông. Tránh cắt tỉa vào mùa mưa.
- Phân bón: Cây so đũa không kén chọn phân bón. Cần bổ sung dinh dưỡng định kỳ theo tuần hoặc tháng để đảm bảo dinh dưỡng. Vì là món ăn và dược liệu, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ để an toàn khi sử dụng.
- Thu hoạch: Cây so đũa ra hoa quanh năm, gần như có thể thu hoạch bất cứ khi nào cần. Sau khi thu hoạch, cần rửa sạch. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.