– Chanh ngón tay – Finger lime (tên Khoa học là Microcitrus australasica) là một loài thực vật có hoa thuộc họ cam chanh và là một trong 6 loài chanh bản địa Úc.
– Chanh ngón tay có thân thẳn, nhiều gai, có thể đạt chiều cao tới 10m trong tự nhiên. Quả chanh thường nhỏ, mọc thành hình trụ thon dài khoảng 10 cm, có hình dạng giống như ngón tay người lớn. Chanh có vỏ mỏng, mọng nước, nếu cắt đôi các tép chanh sẽ trào ra y như dung nham núi lửa vậy.
– Đây có thể xem là loại chanh đặc biệt bậc nhất trong họ cam chanh, khi không những có hình dáng khác biệt, mà cả những múi chanh bên trong nhìn cũng rất “sai” so với chanh thường.
– Đầu tiên là lớp vỏ, nếu như chanh thường có màu xanh hoặc vàng, thì Chanh ngón tay ngoài màu xanh còn có thêm màu đỏ, vàng, nâu sậm, đỏ tía. Tép chanh ngón tay có thể tách rời như những tép bưởi, trông giống hệt như trứng cá caviar. Nhiều người còn gọi đây là “caviar trong họ chanh” vì sự tương đồng này. Đặc biệt từng tép chanh mọng nước có hương vị kết hợp giữa chanh vàng và chanh thường, thậm chí thơm hơn chanh thường nhiều, nếu ăn kèm với hải sản tươi sống như sushi và sashimi thì trên cả tuyệt vời.
* CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
+ Chọn giống:
– Nên chọn cây giống Chanh ngón tay khỏe, chất lượng tốt. Có rất nhiều giống Chanh ngón tay: cây trồng từ hạt và cây gốc ghép.
– Bạn nên chọn cây giống gốc ghép để cây nhanh cho trái (sau 2 năm trồng); còn nếu trồng từ hạt thời gian cho trái phải mất tới 15 năm.
+ Đất:
– Tất cả các giống chanh trong tự nhiên đều cần thoát nước tốt, Chanh ngón tay cũng vậy.
– Hãy sử dụng đất có tính axit nhẹ , với độ pH khoảng 5.5 – 6.5 sẽ tốt cho cây Chanh ngón tay
– Nên trộn hỗn hợp đất với phân hữu cơ, xơ dừa và tro trấu sẽ giúp đất xốp, dễ thoát nước cho cây, tránh được tình trạng đất bị nén chặt. Khi đất bị nén chặt lượng oxy trong đất sẽ giảm, điều này không tốt cho rễ cây. Chưa kể việc thoát nước kém dẫn đến cây bị úng nước. Rễ sẽ bị tổn thương tạo điều kiện cho nấm hại xâm nhập làm cho cây suy yếu và chết.
+ Tưới nước:
– Sinh trưởng trong rừng mưa nhiệt đới nên Chanh ngón tay cần được cung cấp nước thường xuyên, tuy nhiên, cây không chịu ngập úng.
– Vì vậy, bạn nên tưới ướt đẫm 2 – 3 lần/ tuần cho cây (số lần tưới phụ thuộc vào thời tiết và độ ẩm của đất trồng)
– Luôn giữ cho bề mặt đất ẩm nhẹ, tránh để đất quá khô, nước sẽ khó đi qua nếu đất khô và cứng lại.
+ Ánh sáng:
– Ánh sáng là một yếu tố rất quan trọng để trồng Chanh ngón tay thành công
– Ánh sáng mặt trời trực tiếp đầy đủ cả ngày không phải là sự lựa chọn phù hợp với Chanh ngón tay đâu bạn nhé. Các lá chanh sẽ vàng vọt và cháy nắng nếu ở dưới ánh nắng mặt trời quá nhiều giờ
– Trung bình từ 4 – 5 giờ nắng trực tiếp mỗi ngày là đủ với Chanh ngón tay
– Nếu được, bạn nên đặt Chanh ngón tay dưới tàn hoặc bên cạnh tán cây lớn
– Vì vậy, hãy di chuyển chậu Chanh ngón tay của bạn sang một vị trí khác nếu thấy một thời gian dài mà cây không phát triển và có những biểu hiện như trên
Lưu ý: lá chanh vàng không chỉ do ánh nắng mà còn do vài nguyên nhân khác khiến lá có thể bị vàng, hãy xem xét thật kỹ các yếu tố độ ẩm đất, dinh dưỡng và nước trước khi bạn di chuyển cây đi chỗ khác nhé.
+ Phân bón:
– Sự cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp cây Chanh khỏe mạnh và sinh trưởng tốt
– Các cây có múi nói chung (họ citrus) và cây Chanh ngón tay nói riêng rất cần đạm, Kali cho sự phát triển
– Bón phân cho cây Chanh ngón tay cũng cần phù hợp với các giai đoạn phát triển của cây (giai đoạn phát triển để trưởng thành, giai đoạn sinh sản ra hóa, kết trái, giai đoạn chăm sóc cây sau thu hoach).
+ Phòng bệnh:
– “Phòng bênh hơn chữa bênh” bạn nhé. Một khi cây bị sâu bệnh tấn công sẽ làm cho cây suy yếu. Nó sẽ làm gián đoạn hay giảm sự sinh trưởng của cây. Đôi khi sẽ làm cho cây chết nếu không can thiệp kịp thời. Lúc này việc dùng hóa chất hẳn nhiên sẽ không tốt cho cây lắm.
– Hãy cho cây thêm kháng sinh với dinh dưỡng thảo mộc hoặc tinh dầu neem ( phun 2- 3 lần/ tuần) để phòng ngừa sâu ăn lá, sâu vẽ bùa.
– Che phủ gốc Chanh ngón tay với lá khô hay rơm rạ mục sẽ giúp giữ ẩm cho đất, bảo vệ rễ cây tránh bị tổn thương do ánh nắng mặt trời.
Cây sinh trưởng và phát triển tốt như các loại chanh khác của Việt Nam. Điều đặc biệt là giá trị dinh dưỡng của loài trái này vô cùng cao: hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn 3 – 4 lần so với cam, chanh thường của Việt Nam. Do đó, khả năng phòng chống bệnh tật của chanh này cũng cao hơn chanh thường Việt Nam từ 3 – 4 lần.